Đài Loan là một thiên đường du lịch với những nét văn hoá và ẩm thực độc đáo. Nếu bạn đang ấp ủ một chuyến du lịch Đài Loan tự túc thì chắc hẳn sẽ còn nhiều thắc mắc, bỡ ngỡ về lịch trình đi lại đúng không nào? Vậy thì hãy tìm hiểu bài viết dưới đây cùng Visana nhé!
A. Chuẩn bị những gì cho chuyến đi?
1. Visa
Xin visa là một vấn đề được quan tâm hàng đầu khi bạn muốn đi du lịch nước ngoài. Mọi người thường nghĩ so với việc xin visa các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hoặc châu Âu thì xin visa đi Đài Loan không quá khó khăn. Tuy nhiên, từ tháng 8/2018 Đài Loan đã siết chặt chính sách cấp visa nhằm hạn chế tình trạng lao động bất hợp pháp tại đất nước này.
Đối với công dân Việt Nam mang hộ chiếu thường, có 2 cách để bạn xin visa du lịch Đài Loan hợp pháp.
+ Cách 1:
Bạn có thể làm visa Đài Loan bằng cách tự nộp hoặc nhờ những công ty du lịch uy tín. Nếu đi du lịch thì bạn chỉ nên làm loại visa ngắn hạn nhập cảnh 1 lần có thời hạn lưu trú 14 ngày.
Đối với những người lần đầu muốn tự xin visa mà vẫn chưa tìm được nguồn thông tin tổng hợp chính xác, vui lòng tham khảo Kinh nghiệm xin visa Đài Loan và làm theo hướng dẫn về checklist hồ sơ cũng như quy trình nộp tại Cơ quan lãnh sự nhé.
+ Cách 2:
Bạn có thể làm E-visa Đài Loan. Đài Loan cho phép bạn nhập cảnh nhiều lần, lưu trú trong thời gian 30 ngày nếu bạn có thẻ cư trú hoặc visa còn hiệu lực hoặc đã hết hạn trong vòng 10 năm trở lại đây của các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Anh, các nước Schengen, Hàn Quốc và Đài Loan (trừ trường hợp đã từng đi lao động phổ thông).
Riêng với visa Úc và New Zealand, đương đơn chú ý rằng hai loại visa này phải còn hiệu lực thì mới được xét miễn visa Đài Loan. Ngoài ra, nếu dùng visa Nhật để nhập cảnh theo diện “Miễn visa có điều kiện” thì du khách được yêu cầu phải xuất được dấu xuất – nhập vào Nhật Bản, hoặc phải trình vé máy bay (vé tàu) của chặng kế tiếp vào Nhật.
Tuy nhiên, cần đăng ký online để được xét duyệt, sau khi được chấp thuận in ra bản giấy cầm theo khi nhập cảnh mới có thể làm thủ tục lên máy bay và nhập cảnh.
2. Lên sẵn lịch trình du lịch
Lên sẵn lịch trình là một việc làm không bao giờ thừa đối với những chuyến du lịch dài ngày bởi việc sắp xếp lịch trình một cách hợp lí sẽ giúp chuyến du lịch của bạn trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, bạn hãy lên mạng tìm những địa điểm vui chơi, những chỗ ăn ngon sau đó note lại và gần đến ngày đi sắp xếp chúng thành một lịch trình chi tiết.
3. Săn vé máy bay
Hiện nay ở Việt Nam có nhiều hãng hàng không đi Đài Loan như Eva Air, Vanilla Air, China Airlines, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air. Đối với những hãng hàng không giá rẻ, nếu bạn có thời gian săn vé thì giá sẽ rơi vào khoảng 3-3,5 triệu đồng/ vé khứ hồi. Gần đây, mọi người hay chọn di chuyển bằng hãng Eva Air bởi nó có khá nhiều tiện ích như bữa ăn trên máy bay, 30 kg hành lí kí gửi mà giá chỉ khoảng hơn 4 triệu VNĐ/ khứ hồi nên các bạn cũng có thể cân nhắc.
4. Đặt phòng khách sạn
Các bạn có thể đặt phòng khách sạn hoặc dorm qua một số trang web uy tín như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com. Khách sạn ở Đài Loan khá mắc, trung bình 1 đêm khoảng 1 triệu 500 VNĐ – 2 triệu 500 VNĐ cho 2 người. Nếu bạn có kinh phí hạn hẹp thì nên ở dorm, tuy không đầy đủ tiện nghi như ở khách sạn nhưng cũng rất sạch sẽ. Gía chưa đến 500.000 VNĐ/đêm. Lưu ý nhỏ khi book chỗ ở đó là bạn nên chọn những nơi gần trung tâm để tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại. Hơn nữa, ở trung tâm có rất nhiều tụ điểm ăn chơi, mua bán nên bạn không sợ buồn hoặc thiếu dịch vụ.
5. Tiền
Đơn vị tiền tệ của Đài Loan là Đô la Đài Loan thường được gọi là Tân Đài Tệ, kí hiệu NT$, được viết tắt là TWD. Đồng Tân Đài Tệ hoàn toàn khác với đồng Nhân Dân Tệ được lưu hành ở Trung Quốc Đại lục.
Bạn có thể đổi tiền ở Việt Nam hoặc Đài Loan tuy nhiên lưu ý ngân hàng ở Đài Loan chỉ nhận đổi tiền từ tiền đô la Mỹ (USD) qua Tân Đài Tệ chứ không đổi trực tiếp từ VNĐ qua Tân Đài tệ như ở Việt Nam. Một số ngân hàng tại Đài Loan có thể tham khảo như Maga bank, China trust, Bank of Taiwan. Tỉ giá Tân Đài Tệ 1TWD~ 750 VNĐ nên nhớ tham khảo kỹ tỷ giá trước khi đổi tiền.
Bạn không nên đổi quá nhiều tiền vì bên Đài Loan gần như chỗ nào cũng cho thanh toán thẻ, chỉ có mua vé tàu ở ga địa phương nhỏ hoặc ăn uống ở đường phố mới cần trả bằng tiền mặt thôi nhé.
6. Chuẩn bị hành lý
+ Trang phục: Tuỳ vào thời điểm bạn đi du lịch, hãy lựa chọn trang phục mang theo sao cho phù hợp. Lưu ý nên mang theo một đôi giày thể thao để tiện trong việc di chuyển.
+ Thuốc: Khi đi du lịch bất cứ đâu, bạn nên chuẩn bị một số loại thuốc thông thường như thuốc cảm cúm, thuốc chống say, thuốc tiêu hoá, thuốc chống côn trùng, v.v.
+ Đồ dùng cá nhân: Ngoài ra bạn nên mang theo bàn chải, khăn mặt, dao cạo râu và các đồ dùng liên quan bởi những vật dụng này khách sạn ở Đài Loan có nhưng thường chất lượng sẽ không tốt lắm đâu nha.
+ Một số giấy tờ quan trọng: Hộ chiếu (đặc biệt quan trọng), tiền mặt, chứng minh thư, v.v.
+ Không được để các loại dao, kéo, kim loại, bật lửa và các loại nước hoặc gel dạng lỏng đang sử dụng với dung lượng trên 100ml trong hành lý xách tay. Tất cả phải để trong hành lý ký gửi.
B. Đi đâu, ăn gì ở Đài Loan?
Đài Loan có 3 thành phố lớn là: Cao Hùng, Đài Trung, Đài Bắc, và chỉ với 6 ngày 5 đêm là bạn đã có thể khám phá trọn vẹn văn hoá và ẩm thực của cả 3 thành phố này. Cùng tham khảo lịch trình dưới đây của chúng mình nhé!
Ngày 1+2: Cao Hùng
Đầm Liên Trì
Đầm Liên Trì là một hồ nhân tạo lớn nằm ở phía đông quận Zuoying, thành phố Cao Hùng, có nhiều chùa chiền, lầu ngắm cảnh và các khu chợ bao quanh. Đến đây bạn sẽ được ngắm nhìn những bông hoa Sen mọc trên hồ, cộng hưởng với âm sắc chùa chiền tạo, tôn nên vẻ đẹp thanh tịnh nơi đây.
Tháp Long Hổ – biểu tượng của đầm Liên Trì: Dẫn tới Tháp Long Hổ là một cây cầu “zic zac” khá đẹp, đưa các bạn vào từng tháp của chùa từ 2 phần đầu của 2 mãnh thú: Rồng và Hổ. Các bạn đến đây hãy nhớ đi xuyên qua lối vào hướng đầu rồng và đi ra lối đầu hổ để được may mắn và bình an vì theo người dân ở đây “vào rồng ra hổ” là cách thức để đảo ngược số mệnh từ xấu thành tốt. Một bên Hổ, một bên Rồng cũng là tượng trưng cho sự Cát Tường.
Đài Xuân Thu – công trình kiến trúc hoành tráng: Du khách đến thăm sẽ bị mê hoặc bởi chính vẻ đẹp độc đáo từ những kết cấu hình thành của đài Xuân Thu. Nền gạch bát giác có màu xanh ở công trình tạo nên điểm nhấn độc đáo, cuốn hút. Nơi đây bao gồm nhiều phong cách kiến trúc kinh điển kết hợp, nổi bật với một chiếc cầu hùng vĩ, bức tượng Quan Âm cưỡi rồng oai vệ, uy nghiêm.
Đền Khổng Tửtôn kính: Công trình kỳ vĩ ngôi đền với lối kiến trúc độc đáo, uy nga, tráng lệ và là biểu mẫu cho cả hệ thống đền đài tại thành phố Cao Hùng. Đây còn là một trong những điểm du lịch được nhiều người tìm đến kính viếng và tham gia vào các lễ hội được chỗ chức long trọng tại đây.
Hướng dẫn di chuyển: Bắt chuyến tàu đến trạm Ecological District rồi bắt bus hoặc taxi trước cổng trạm để đến, bọn mình đi taxi khoảng 100 tệ từ trạm tàu.
Nhà ga Formosa Boulevard
Đây là một trong những nhà ga có tên trong bảng xếp hạng những công trình tàu điện ngầm đẹp nhất thế giới. Lấy ý tưởng từ chính cuộc sống của con người, xoay quanh các yếu tố thiên nhiên từ đất, nước, lửa, ánh sáng nhà thiết kế đã tạo nên mái vòm với sự tổng hợp độc đáo này. Sự pha trộn ấy thoạt nhìn có vẻ lộn xộn nhưng khi nhìn một cách tổng thể các bạn sẽ thấy nó thật rực rỡ và đẹp một cách hoàn hảo.
Hướng dẫn di chuyển: Nhà ga ở gần trung tâm nên bạn có thể đi bộ đến đây.
Vịnh Tây Tử
Nằm ở phía Tây thành phố Cao Hùng, một bên là núi Thọ, một bên là hòn đảo nhỏ Cijing phía Nam, nước biển xanh rì, bãi cát đen nhánh (đặc điểm tự nhiên của vùng biển nơi này). Đến Siziwan có thể thuê xe đạp chạy vòng quanh hoặc thuê thuyền nhỏ ngắm cảnh, ăn hải sản tươi, ghé thăm trường Đại học Sun Yat Sen (Tôn Trung Sơn) và lên mỏm đá phía gần trường đón hoàng hôn. Ở Sizwan còn nổi tiếng có con đập chắn sóng bằng đá thẳng tắp, đứng ở đây sẽ chìm trong gió biển, cảm giác vô cùng dễ chịu.
Chợ đêm
Đến Cao Hùng mà không ghé vào các khu chợ đêm thì quả là một thiếu sót lớn. Những khu chợ đêm dường như là “linh hồn” của người dân Cao Hùng. Đây là nơi thoả mãn cả nhu cầu ăn uống và mua sắm của khách du lịch. Một buổi tối tại Cao Hùng sẽ trở nên hoàn hảo khi bắt đầu tại những khu chợ đêm nổi tiếng như Liouhe (Lục Hợp) hay Xin Jue Jiang (Tân Quật Giang), Ruifeng (Thụy Phong).
+ Chợ Lục Hợp: Đây là một khu chợ sôi nổi, tấp nập người mua kẻ bán nằm ngay giữa trung tâm thành phố Cao Hùng. Mặc dù nằm ở vị trí thuận lợi nhưng giá cả tại khu chợ này không quá đắt đỏ. Khi đến đây, các bạn sẽ được thoả mãn nhu cầu ăn uống và mua sắm. Chợ đêm Lục Hợp bán đủ các loại quần áo, đồ thủ công, dao cho đến những món ăn vặt, đồ uống, những thực phẩm sống như: mực, hàu, ốc, tôm hùm, v.v.
Hướng dẫn di chuyển: Đi tàu điện ngầm MRT đến trạm Famorsa Boulevard, lối ra 11.
+ Chợ Tân Quật Giang: Chợ Tân Quật Giang nổi tiếng với hồ nước nhân tạo được chiếu đèn lung linh như bầu trời sao. Ở đây bán đủ các lại quần áo, giày dép, mỹ phẩm made in Taiwan, Korea. Hầu hết những người bán hàng ở đây không nói thách nên khi mua hàng bạn rất khó trả giá. Ngoài ra, khi đến đây nhất định bạn phải thử món lẩu sả. Gía 1 nồi lẩu sả chỉ ~200NT, bạn có thể thưởng thức món này tại địa chỉ No.283 Zhonghua 4th Road, Kaohsiung 801.
Hướng dẫn di chuyển: Đi tàu điện ngầm MRT Centrel Park, lối ra 2
+ Chợ Thuỵ Phong: Nếu bạn là một “tín đồ ăn uống” thì khu chợ này chính là thiên đường của bạn. Chợ Thuỵ Phong nổi tiếng với hơn 1000 gian hàng chuyên bán những món ăn vặt nổi tiếng của Đài Loan lẫn món ngon ở khắp các quốc gia khác trên thế giới. Ngoài ra, khi đến đây bạn còn được giải trí với những trò chơi siêu vui nhộn. Chợ đêm Thuỵ Phong được đánh giá là khu chợ thu hút khách bậc nhất Cao Hùng.
Hướng dẫn di chuyển: Đi tàu điện ngầm đến trạm MRT R14 (Kaohsiung Arena), lối ra 1
Những món ăn nên thử khi ở Cao Hùng là: Rice Cake City, Ceng Ji Kitchen, Xiaoyin Liangcha Milk Tea, đá bào (ở vịnh Tây Tự) cùng vô số đồ ăn vặt trong các khu chợ đêm như: đậu hũ, mì xào, bánh hồ tiêu, gà chiên thượng đế, bánh rán mini, đồ nướng, v.v.
Ngày 3: Đài Trung
Gaomei Wetland
Nếu bạn đang băn khoăn không biết có thể ngắm hoàng hôn ở đâu tại Đài Trung thì Gaomei Wetland là một địa điểm tuyệt vời dành cho bạn. Đây là vùng đất có nước ngập vào bờ, vì vậy khi mặt trời lặn sẽ in bóng từ bầu trời cả xuống mặt nước khiến màu ửng đỏ bao trùm cả một không gian. Ngoài ra, ở đây còn có những hàng cối xay gió chạy dài ven biển, khiến khung cảnh trở nên kỳ ảo có 1 không 2.
Khi nước xuống ở Gaomei Wetland, bạn có thể cùng với bạn bè và người thân đi dạo trên bãi bùn. Kể cả khi nước đã lên cao che lấp bãi bùn vẫn có một con đường gỗ được xây dài 800m trên mặt nước giúp khách du lịch có được cảm giác như đi giữa mặt nước bao la.
Hướng dẫn di chuyển: Đi tàu hoả đến trạm Qingshui, sau đó đi GeYa bus #178 hoặc #179 đến trạm Gaomei, rồi đi bộ tiếp chừng 5 phút.
Làng Cầu Vồng Rainbow village (Caihongjuan village)
Rainbow village là một ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà được trang trí theo hoạ tiết đơn giản nhưng đầy màu sắc. Cả ngôi làng được vẽ bởi một người lính già đã nghỉ hưu với mục đích ban đầu là phản đối chính sách di rời, phá huỷ ngôi làng của chính quyền thành phố. Đến đây tham quan, chụp ảnh thì đảm bảo bạn sẽ có những bức ảnh “ảo tung chảo” luôn!
Hướng dẫn di chuyển: Đi tới Taichung Station rồi đi tàu hỏa TRA đến trạm Xinwuri, sau đó ra ngoài đi xe buýt số 56 đến Rainbow Village.
Chợ đêm FengJia
Chợ đêm FengJia nổi tiếng bậc nhất Đài Loan và được đánh giá cao bởi những món ăn vặt rất đậm chất Đài Loan ở đây. Sẽ là thiếu sót vô cùng lớn nếu bạn đến Đài Trung mà không bớt chút thời gian tới đây mua sắm và thử các món ăn nổi tiếng như: xúc xích cuộn nếp gạo, bánh crepe, gà rán hàu, súp khoai môn bóng ngọt, đậu hũ thối, đầu vịt cay, v.v.
Hướng dẫn di chuyển: Từ trạm buýt cạnh ga Taichung, đi xe số 25,33,35 mất khoảng 45 phút.
Miyahara
Miyahara là điểm du lịch mới nổi ở ngày giữa trung tâm Đài Trung. Tòa nhà gạch đỏ 2 tầng này tiền thân là một bệnh viện mắt do thực dân Nhật xây nên trong thời kì còn chiếm đóng Đài Loan, trải qua nhiều lần thay đổi trong lịch sử, giờ đây tòa nhà này đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, là cửa hàng, nhà hàng chuyên phục vụ các loại kẹo, bánh điểm tâm truyền thống của Đài. Thiết kế bên trong cổ kính với mái lợp kính, những kệ sách cao đụng trần nhà cùng với những món đồ nội thất gỗ tinh sảo tạo cho du khách đến tham quan có cảm giác lạc vào thế giới phù thủy của Harry Potter.
Nếu đến Đài Trung bạn hãy thử ăn Trứng trà của Bà Jinpan, gà quay và cá hấp ở Nhà hàng Inako Senic, Lẩu Karuisawa chắc chắn những món ăn này sẽ không làm bạn thất vọng đâu!
Ngày 4+5: Đài Bắc
Taipei 101
Nếu các bạn để ý thì hầu hết trong các bộ phim Đài Loan đều có hình ảnh của toà tháp 101 này, đây là một biểu tượng tự hào của người dân Đài Loan. Chính vì thế mà bạn không nên bỏ qua toà nhà này. Tháp 101 là toà tháp cao thứ 2 thế giới với 101 tầng. Bên trong Taipei 101 được thiết kế rất sang trọng và cầu kì, từ tầng 1 đến tầng 5 là trung tâm thương mại, nơi quy tụ rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới và các nhà hàng kiểu hoa vang danh.
Nếu bạn muốn ngắm nhìn toàn thành phố Đài Bắc từ trên cao thì có thể mua vé lên đài quan sát ở tầng 88 của toà nhà này. Giá vé khoảng 600 Đài tệ (~450.000 VNĐ), nếu mua online sẽ rẻ hơn.
Khu vực xung quanh Taipei 101 vô cùng sầm uất. Rất nhiều cửa hàng ăn uống, trung tâm thương mại, rạp phim để bạn tha hồ khám phá.
Hướng dẫn di chuyển: Đi MRT đến trạm World Trade Center, ra ở cửa EXIT 1. Từ đây, bạn có thể chụp hình hết toà nhà. Sau đó, đi bộ 200 m vào trong.
Công viên địa chất Yeliu
Khi du lịch ở Đài Bắc bạn hãy dành chút thời gian để ghé qua công viên địa chất Yeliu. Đây được mệnh danh là “Điểm đến tự nhiên đẹp nhất Đài Loan” vào năm 2013. Khi đến với công viên địa chất Yeliu bạn sẽ phải bất ngờ với những mỏm đá có hình thù kì lạ, những di tích hoá thạch có lịch sử hàng nghìn năm. Công viên này được chia ra thành 3 khu vực với những nét đặc trưng riêng của từng khu.
Hướng dẫn di chuyển: Từ bến xe bus phía Tây Đài Bắc, cổng A (terminal A), đến cửa KouKang và mua một vé đến công viên địa chất Yehliu với giá 96 TWD (tương đương 67.000 VND). Chuyến đi kéo dài khoảng 90 phút. Bạn sẽ đến được trước cổng công viên.
Đường tàu Shifen
Đường tàu Shifen là ngôi làng cổ với điểm nhấn là những chiếc lồng đèn và hoạt động thắp đèn Thiên Đăng vào mỗi dịp tết Nguyên Đán. Khi đến đây, bạn có thể mua đèn Thiên Đăng su đó ghi lại điều ước của mình lên thân đèn rồi thả lên bầu trời, người Đài Loan tin rằng điều bạn mong muốn sẽ được đền đáp. Lưu ý khi mua Đèn Thiên Đăng là mỗi màu bạn chọn sẽ đại diện cho một ý nghĩa nên hãy xem kĩ bảng hướng dẫn khi mua nhé. Ngoài ra, những chiếc đèn lồng cũng được làm mô hình thu nhỏ để bạn có thể mua về làm quà tặng nữa đó.
Hướng dẫn di chuyển: Từ ga chính Đài Bắc, bạn đi chuyến hướng Bắc (đừng bắt chuyến đi Keelung) để đến Rui Fang. Đến đây, bạn chuyển lane sang lane đi Pingxi. Vé đi Pingxi có giá khoảng 52 TWD, tương đương 36.000 VND.
Làng cổ Jiufen (làng cổ Cửu Phần)
Làng cổ Cửu Phần là một trong những địa điểm du lịch thu hút nhất xứ Đài bởi nét thanh bình và huyền bí của nó. Nơi đây nổi tiếng với nét kiến trúc cổ kính của Trung Hoa. Dù thời gian qua đi nhưng ngôi làng vẫn không bị ảnh hưởng bởi sự hối hả của đô thị, vẫn giữ những kiểu trang trí xưa cũ như: đèn lồng đỏ treo trên cao, mái ngói đen, đường gạch cũ kĩ, v.v Ngoài ra khi đến đây, bạn có thể thưởng thức những món ăn vặt như mì bò viên, dimsum, bánh bao, sủi cảo, kẹo đường hương việt quất, xúc xích nướng, chè, đậu hũ thối, v.v.
Hướng dẫn di chuyển: Từ ga chính Đài Bắc, bạn đi chuyến đến Rui Fang mất cỡ 20 phút. Đến ga Rui Fang, hãy tìm bảng chỉ dẫn màu đen ghi “Jiu Fen” và đi theo dòng người.
Một số món ăn nổi tiếng ở Đài Bắc mà các bạn có thể thử: mì bò hầm, kem trà xanh, Gà chiên kiểu Đài – Ji Pai, trà sữa trân châu đường phèn Ông Trần Tam Đỉnh, Bắp nướng Đài Loan, Ốp-la hàu tươi , Teppanyaki kiểu Đài, Ding Tai Fung, v.v.
C. Phương tiện di chuyểnở Đài Loan
Tàu điện
Sử dụng tàu điện để di chuyển trong các thành phố lớn như Đài Bắc hay Cao Hùng. Bạn có thể thanh toán theo từng chặng, nhận xu để quẹt qua cửa. Thường đi từ 2-5 trạm tàu là 20-30 tệ. Nếu bạn dừng ở Cao Hùng trước thì mua thẻ Ipass, nếu dừng ở Đài Bắc trước thì mua thẻ Easy Card, 2 thẻ này đều cùng chức năng chi trả tiền tàu, tiền xe bus, tiền mua đồ trong cửa hàng tiện dụng. Gía 100 tệ/ thẻ và mỗi lần nạp tối thiểu 100 tệ, tối đa 5,000 tệ.
Ưu điểm của tàu hoả là có nhiều chuyến trong ngày, mỗi chuyến cách nhau khoảng 5-10 phút; nhiều loại tàu để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhưng nhược điểm là di chuyển chậm dẫn đến việc mất nhiều thời gian hơn. Để xem khoảng cách địa điểm, giờ đến và lịch tàu các bạn vào trang Taiwan Railway Administrations mục Schedule, nhập điểm đi điểm đến, ngày đi là thấy.
Tàu cao tốc
Đây là loại tàu chạy nhanh nhất ở Đài Loan và chỉ có ở phía Tây. Bạn có thể đi tàu cao tốc từ Cao Hùng đến Đài Bắc mất 2 tiếng với giá 1700 tệ; Đài Bắc đến Đài Trung khoảng 1 tiếng giá 360 đài tệ. Tàu này rất rộng, ghế ngồi êm, có tạp chí bằng tiếng hoa, có máy bán nước trong tàu và đặc biệt là ở ga tàu nói tiếng anh rất tốt.
Xe bus
Ở Đài Loan có rất nhiều xe bus, giá khoảng 7-12 Đài tệ. Hệ thống xe bus rộng rãi, thoáng mát nhưng thời gian đợi rất lâu. Để biết các điểm dừng. các bạn tải app Taiwan Bus Tracker và có thể dùng thẻ để trả, giảm từ 10 đến 20%.
Xe đạp
Đây là loại hình khá ấn tượng, phù hợp với các bạn đam mê di chuyển bằng xe đạp. Bạn chỉ cần tới các trạm để xe công cộng, quẹt thẻ Easy card hoặc thẻ Visa là có thể thuê. Có thể trả lại xe ở trạm ban đầu hoặc bất kỳ các trạm nào khác còn chỗ trống. Tuy nhiên, dịch vụ cho thuê xe đạp chỉ có ở Đài Bắc.
Ngoài những phương tiện trên thì bạn có thể di chuyển bằng Taxi (giá cao), Uber (tiết kiệm khi đi nhóm đông), Xe máy (300-350 tệ/ngày).
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn có một chuyến du lịch đáng nhớ khi đến với Đài Loan. Để biết thêm thông tin về du lịch Đài Loan khi nào đẹp, một số câu giao tiếp khi đi du lịch Đài Loan, vui lòng tham khảo bài viết Lịch trình du lịch Đài Loan tự túc. Nếu có bất kì thắc mắc gì về lịch trình chuyến đi hay cách di chuyển thì các bạn có thể liên hệ với Visana qua số điện thoại hotline 1900 0284 nhé!